Ngoài răng khôn là chiếc răng số 8 không rõ vai trò, thì răng số 7 lại là chiếc răng hàm rất quan trọng. Không chỉ giữ chức năng ăn nhai, mà nó còn giữ cho hàm răng có sự cân đối. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm thông tin về chiếc răng số 7 này nhé.
Răng số 7 nằm ở đâu?
Răng số 7 là răng hàm nằm liền kề trước răng khôn. Đây là răng cối lớn thứ 2 trong bộ 3 răng cối (răng 6 – răng 7 – răng 8)
Nếu bạn nào chưa đến lúc mọc răng khôn, thì bạn sẽ thấy răng số 7 là răng nằm trong cùng nhé.

Bộ răng chuẩn của người trưởng thành bao gồm 32 cái, phân bổ trên 2 hàm trên và dưới. Như vậy chúng ta sẽ có 4 chiếc răng số 7 nằm ở trái-phải-trên-dưới.
Và điểm đặc biệt của răng hàm số 7, nếu nằm ở hàm trên thì răng sẽ có 3 chân, nhưng nằm ở hàm dưới thì chỉ có 2 chân thôi nhé. Ở một số bệnh nhân, số chân của răng hàm số 7 khác lạ, cần phải chụp phim Xquang mới xác định chính xác.

Răng số 7 thay mấy lần trong đời?
Đây là chiếc răng hàm mọc vào khoảng 11-13 tuổi. răng ở hàm dưới sẽ mọc trước răng ở hàm trên.
Và đây là răng vĩnh viễn, chỉ mọc 1 lần trong đời. Vì thế, phụ huynh nên tập thói quen cho con chăm sóc răng miệng thật tốt. Bởi vì nếu răng số 7 rụng mất thì không còn răng khác mọc lên đâu nhé.
Một số sai lầm khi tưởng răng này là răng sữa và sẽ thay răng, nên không giữ gìn kỹ dẫn đến viêm nướu, sâu răng, viêm tủy…
Nếu răng số 7 bị bệnh thì có nên nhổ bỏ không?
Vai trò của răng hàm số 7 rất rõ rệt, nó giúp chúng ta nghiền nát thức ăn. Vì vậy nếu như răng số 7 bị hư, thì sẽ tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh lý mà chữa bảo tồn răng thay vì phải nhổ.
Tuy nhiên, nếu các tổn hại khá nặng thì giải pháp nhổ bỏ cũng cần được đặt ra nhằm bảo vệ các răng lân cận.
- Răng đã hư bể sát chân răng, buồng tủy viêm nghiêm trọng.
- Răng bị tét nứt chân răng, viêm tủy, tiêu xương hàm.
- Răng bị viêm nha chu nặng, viêm chóp nặng, gây viêm xương.
Quá trình nhổ răng số 7 có gây nguy hiểm gì không?
Chiếc răng này thường mọc khá ổn, ít gặp các dạng biến chứng khi mọc. Nên quá trình nhổ răng không khó như răng số 8 (răng khôn)
Tuy nhiên, do đây là răng nhiều chân, và cắm sâu trong xương hàm; Nên khi nhổ cũng yêu cầu kỹ thuật thực hiện đúng chuẩn nhằm hạn chế tối đa thương tổn mô còn lại. Các dụng cụ như kềm, bẫy răng cần lựa chọn phù hợp và vô khuẩn an toàn.
Nhổ răng có đau không?
Không kể vị trí răng được nhổ nằm ở đâu, hễ nghĩ đến chuyện nhổ răng là phần lớn các bạn sẽ đặt câu hỏi như trên.
Và câu trả lời luôn là: cơn đau xuất hiện sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố.
Răng số 7 là răng có kích thước lớn, tiếp xúc với hệ thần kinh cũng nhiều; Nên chắc chắn khi nhổ bạn sẽ cảm nhận cảm giác rõ ràng hơn các răng nhỏ khác.
Trong quá trình nhổ thường được gây tê, nên bạn sẽ không thấy đau gì. Cơn đau sẽ xuất hiện với cường độ ít hay nhiều (tùy người) sau khi tan hết thuốc tê. Nhưng, bạn cũng không phải lo vì sau khi nhổ răng bạn sẽ dược dùng thuốc giảm đau ngay nhé.
Những lưu ý sau khi nhổ răng mà bạn cần ghi nhớ
- Cắn chặt cục bông gòn, thay mới khi cục gòn đã ướt đẫm. Thường trong vòng 30 phút hay 60 phút.
- Không mút hay khạc nhổ mạnh tránh làm biến động cục máu đông trong ổ răng
- Không dùng vật nhọn đâm chọt, tác động vào vùng vừa nhổ răng nhằm tránh gây nhiễm trùng.
- Nên ăn cháo, uống sữa, không quá nóng hay quá lạnh , ấm ấm là ổn.
- Nếu có dấu hiệu chảy máu nhiều và liên tục trong 72 giờ đầu tiên nên quay lại phòng khám để gặp nha sĩ.
Cần thêm thông tin cụ thể bạn có thể liên hệ trực tiếp với
NHA KHOA KHÁNH PHÚC QUẬN 7 – Bs VÕ ĐÌNH TRỌNG
Số 1, Đường số 2, P. Phú Mỹ, Quận 7, Tp. HCM
(Từ 246 Phạm Hữu Lầu ,Q7 quẹo phải vô đường số 2 khoảng 10m).
☎️ Hotline: 0938 67 43 79
Trang thông tin online: https://www.facebook.com/nhakhoakhanhphuc/