Chỉnh nha là một chỉ định rất rộng rãi trong nha khoa hiện đại ngày nay. Với kỹ thuật chỉnh nha ngày càng hiệu quả và thời gian càng rút ngắn, thì mục tiêu sỡ hữu một hàm răng đều đặn thẳng tắp dễ dàng đạt được nhanh chóng.
Và sau đây là những trường hợp mà các bạn nên chỉnh nha:
1.Răng chen chúc: biểu hiện cụ thể của trường hợp này, bạn sẽ thấy các răng mọc chen nhau trên 1 hàm răng. Lí giải nguyên nhân: xương hàm không đủ chỗ cho tất cả các răng cùng mọc.
Chính vì thế chỉnh nha sẽ là phương pháp giúp nới rộng xương hàm đối với các bệnh nhân xương hàm hẹp. Hoặc phải nhổ bỏ một vài răng không cần thiết và niềng các răng còn lại vào các vị trí phù hợp nhất.
Kết quả: bạn sẽ có hàm răng cân đối, đều đặn, gương mặt cũng trở nên xinh đẹp hơn.
2.Răng hô: Thường gọi là sai khớp cắn hạng 2 theo Angle.
Nguyên nhân có thể là do hàm trên đưa ra trước nhiều hơn so với hàm dưới, hoặc là do hàm dưới phát triển chậm hơn so với hàm trên, hoặc kết hợp cả 2 yếu tố.
Điều trị cho trường hợp này tùy vào tình trạng thực tế, thường sẽ cần nhổ răng để tạo khoảng trống và niềng các răng lại theo cung hàm chuẩn. Nếu tình huống xương quá phát, còn phải kết hợp phẫu thuật rút ngắn xương hàm trên.
3.Răng móm: tình huống này thì do hàm dưới phát triển quá mức, hoặc do xương hàm trên phát triển chậm hơn hàm dưới.
Thông thường răng móm sẽ dẫn đến cắn ngược (răng cửa hàm dưới phủ ngoài răng cửa hàm trên) hoặc cắn đối đầu (rìa cắn của răng cửa trên và dưới chạm nhau).
Điều trị cho trường hợp này ngoài niềng răng, cũng cần xem xét kết hợp phẫu thuật xương hàm dưới.
Ngoài 3 trường hợp chỉnh nha phổ biến như trên, chúng ta vẫn còn một số tình huống như sau:
4.Lệch đường giữa: Nếu tưởng tượng có một đường thẳng dọc chia đôi khuôn mặt của bạn thành bên trái và bên phải, thì đó gọi là đường giữa.
Khi cười, hàm răng nên có một sự cân đối trái phải, nếu không thì sẽ được gọi là “lệch đường giữa”. Lệch đường giữa là nghiêm trọng khi nó xảy ra ở hàm trên và tỷ lệ mất cân đối rõ rệt. Đối với hàm dưới, nếu có lệch đường giữa thì cũng ít khi phân biệt được khi giao tiếp, và do vậy nó không quan trọng trong điều trị chỉnh nha.
5.Cắn sâu: Khi răng cửa hàm trên phủ răng cửa hàm dưới quá mức tiêu chuẩn thì gọi là cắn sâu.

Cắn sâu gây ra nhiều hậu quả: răng cửa dưới sẽ gây chấn thương mô mềm ở mặt trong răng cửa trên, và ngược lại. Răng cửa ở tư thế này làm hạn chế chuyển động của hàm dưới, khó ăn nhai và dễ dẫn đến rối loại khớp thái dương hàm.
6.Cắn hở: Khi các răng phía trước không chạm nhau khi cắn khớp ở vị trí trung tâm, gọi là cắn hở.

Cắn hở sẽ gây ra khó khăn khi ăn nhai, khó khăn khi phát âm và làm mòn những răng có chạm khớp vì những răng này phải chịu lực mạnh. Cắn hở có thể có nguyên nhân từ thói quen xấu như mút ngón tay, đẩy lưỡi.
7.Cắn chéo: Là tình trạng răng dưới phủ ngoài răng trên, ngược với thông thường. Cắn chéo có thể trong tình trạng nhiều răng, hoặc chỉ răng trước, hoặc chỉ răng sau.



Cắn chéo gây ra rất nhiều khó khăn khi ăn nhai, phát âm và làm ảnh hưởng nặng nề đến khớp thái dương hàm. Nụ cười với răng cửa bị lệch vào bên trong cũng được đánh giá là không thẩm mỹ và hấp dẫn.
Một số tình huống còn lại cũng thường gặp trong chỉnh nha:
8.Thiếu răng bẩm sinh: Tùy từng trường hợp mà bác sĩ chỉnh nha sẽ cân nhắc di chuyển răng để đóng lại khoảng trống đó, hoặc mở rộng khoảng trống đó ra để bác sĩ phục hình có thể ghép Implant hoặc làm cầu răng phục hồi răng bị mất.
Thiếu răng cửa bên hàm trên và răng cối nhỏ thứ 2 hàm dưới bẩm sinh là rất hay gặp. Răng nanh có thể bị di chuyển đến vị trí khoảng trống gây mất thẩm mỹ. Bác sĩ chỉnh nha sẽ đẩy răng nanh về lại vị trí cũ, để có đủ khoảng trống trồng lại răng bị thiếu bẩm sinh bằng Implant hay cầu răng.
Đối với trẻ em 8-10 tuổi, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha sớm và chụp phim toàn cảnh để kiểm tra, phát hiện sớm thiếu răng bẩm sinh hay không và có kế hoạch điều trị kịp thời.
9.Răng ngầm: Răng ngầm thường gặp là răng cửa, răng nanh. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bộc lộ để kéo đưa răng ra ngoài bằng chỉnh nha, hoặc chỉ định nhổ bỏ và tạo khoảng để trồng lại bằng Implant hay cầu răng.
Răng cửa giữa bị ngầm gây mất thẩm mỹ. Nguyên nhân thường gặp là do chấn thương khi còn răng sữa, làm răng vĩnh viễn bị kẹt không mọc được. Bác sĩ chỉnh nha sẽ phẫu thuật bộc lộ và kéo răng cửa giữa xuống vào đúng vị trí.

Bác sĩ chỉnh nha sẽ gắn mắc cài để kéo răng ngầm đã phẫu thuật bộc lộ vào đúng vị trí. Chú ý răng sữa vẫn còn tồn tại trên cung hàm bên răng nanh bị ngầm. Nếu phụ huynh thấy răng nanh đối diện đã thay quá 6 tháng mà răng còn lại chưa mọc (răng sữa tồn tại quá lâu), nên đưa trẻ đến khám và chụp x-quang để phát hiện và có kế hoạch điều trị sớm.
Tình huống cuối cùng thường cho các bệnh nhân ban đầu đủ răng nhưng sau đó bị mất răng hay thiếu răng bẩm sinh:
10.Răng xoay do mất răng hoặc thiếu răng: Khi mất răng hoặc thiếu răng bẩm sinh, các răng bên cạnh sẽ có khuynh hướng nghiêng vào vị trí mất răng, làm cho răng bên trong bị xoay trục, còn răng phía trước thì bị thưa ra.
Để phục hồi lại răng bị mất một cách hoàn hảo trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tư vấn chỉnh nha để kéo các răng về đúng vị trí, sau đó sẽ trồng lại răng bị mất.
Như vậy, với kỹ thuật tiên tiến ngày nay, chỉnh nha có thể làm được rất nhiều thứ. Từ phục hồi thẩm mỹ, đến chức năng, hỗ trợ phục hình, thay đổi khuôn mặt. Khi chỉnh nha, sử dụng lực nhẹ sẽ làm giảm đau và giảm sự khó chịu cho bệnh nhân. Nếu bạn muốn có một hàm răng đẹp đúng chuẩn, chỉ cần kiên nhẫn một chút, là bạn sẽ đạt được điều mong muốn.
Nha khoa Khánh Phúc Quận 7