
Chỉnh nha cho trẻ em, điều quan trọng nhất chính là kế hoạch điều trị phải hợp lý. Kết quả ổn định lâu dài và phù hợp với sự phát triển của trẻ.
Với các phương pháp mới, chỉnh nha cho trẻ em ngày nay đã hạn chế việc nhổ răng khi các bé dưới 16 tuổi.

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của trẻ, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị chỉnh nha phù hợp nhất. Từ đó khi tiến hành điều trị sẽ đạt được kết quả tối đa, và hạn chế những rủi ro thất bại.
1.Giai đoạn răng sữa đóng vai trò thế nào trong chỉnh nha cho trẻ em?
Đây là giai đoạn bé mọc răng sữa đầu tiên cho đến khi 5 tuổi. Trẻ tăng cân và chiều cao khá nhanh ở giai đoạn này. Vì thế, chế độ dinh dưỡng phù hợp đặc biệt trong 2 năm đầu sẽ giúp trẻ có chiều cao tốt.
Bộ răng sữa thường có những khe hở giữa các răng. Điều này không đáng lo ngại vì nó giúp cho răng vĩnh viễn có đủ chỗ để mọc lên sau này.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng răng sữa không quan trọng. Vì lẽ thường chúng sẽ sớm được thay thế bởi các răng vĩnh viễn. Tuy nhiên đây là suy nghĩ không hề đúng, răng sữa thật ra rất quan trọng.
Nếu bạn cần có hàm răng khỏe đẹp để ăn uống, giao tiếp, thì trẻ em cũng vậy. Sâu răng, đau răng, thiếu răng sữa làm cho trẻ ăn không ngon, gây biếng ăn. Và dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Răng sữa đóng vai trò giữ khoảng trống cho răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí. Nếu chổ nào có răng sữa mất sớm, thì răng sữa khác hoặc răng vĩnh viễn sẽ di chuyển vào vị trí mất răng. Điều này làm răng vĩnh viễn bên dưới không có đủ chỗ để mọc, gây ra răng ngầm, hoặc răng chen chúc.
Nếu vô tình bé gặp phải tai nạn hoặc chấn thương ảnh hưởng đến răng miệng dù là rất nhẹ, bạn nên ghi nhớ điều này để nói với bác sĩ sau này. Vì đây là một tiền sử rất quan trọng để chẩn đoán răng vĩnh viễn mọc kẹt hoặc dị dạng do chấn thương của răng sữa.
Trong giai đoạn này ít khi bác sĩ chỉ định điều trị chỉnh nha cho trẻ em.
2.Giai đoạn răng hỗn hợp:
Giai đoạn này từ 6 – 12 tuổi: Đây là giai đoạn sự phát triển của trẻ khá ổn định và đều đặn qua từng năm.
Một số răng vĩnh viễn đầu tiên sẽ mọc, chẳng hạn răng cối lớn số 6, răng cửa hàm dưới và răng cửa hàm trên. Khoảng 9 – 12 tuổi, trẻ bắt đầu mọc các răng còn lại: răng nanh (răng số 3), răng cối nhỏ thứ nhất và thứ hai (bác sĩ thường gọi là răng 4, 5).
Nếu thấy bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha sớm để kiểm tra có răng ngầm hay thiếu răng bẩm sinh hay không nhé.
Central Incisor: răng cửa giữa, mọc lúc 6-7 tuổi (hàm dưới), 7-8 tuổi (hàm trên).
Lateral Incisor: răng cửa bên, mọc lúc 7-8 tuổi (hàm dưới), 8-9 tuổi (hàm trên).
Cuspid hay Canine: răng nanh, mọc lúc 9-10 tuổi (hàm dưới), 11-12 tuổi (hàm trên).
First Bicuspid: răng cối nhỏ thứ nhất, mọc lúc 10-12 tuổi (hàm dưới), 10-11 tuổi (hàm trên).
Second Bicuspid: răng cối nhỏ thứ hai, mọc lúc 11-12 tuổi (hàm dưới), 10-12 tuổi (hàm trên).
First Molar: răng cối lớn thứ nhất, mọc lúc 6-7 tuổi (hàm dưới), 6-7 tuổi (hàm trên).
Second Molar: răng cối lớn thứ hai, mọc lúc 11-13 tuổi (hàm dưới), 12-13 tuổi (hàm trên).
Third Molar: răng cối lớn thứ ba hay răng khôn, mọc lúc 17-21 tuổi (hàm dưới), 17-21 tuổi (hàm trên).
Trẻ có thể thiếu răng cửa bên hàm trên hoặc răng cối nhỏ thứ hai bẩm sinh. Đây là những răng hay thiếu rất thường gặp.
Cách tốt nhất để phát hiện là chụp phim toàn cảnh Panorex khi trẻ đến khám định kỳ ở giai đoạn này. Chụp Panorex cũng giúp phát hiện răng ngầm, răng dư, và những nguyên nhân khác làm cho răng không mọc lên được.
Ở giai đoạn này, bắt đầu trẻ có thể có những sai lệch ban đầu như răng chen chúc, răng cắn chéo, hay khoảng hở giữa các răng.
Răng cửa chen chúc hoặc mọc không ngay ngắn: thường ít khi phải điều trị. Vì lưỡi sẽ đẩy răng vào đúng vị trí của nó trên cung hàm sau khi nhổ răng sữa (như trường hợp này cần nhổ răng sữa tương ứng đế răng vĩnh viễn di chuyển vào đúng vị trí). Nếu sau khi răng đã mọc ra đầy đủ hết thân răng mà vẫn chen chúc, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha cho trẻ em.
Với tình huống răng cắn chéo: Nên điều trị đưa răng về đúng vị trí khớp cắn. Vì răng cắn chéo sẽ làm ảnh hưởng đến nướu. Trẻ cũng khó khăn khi ăn nhai và ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm do hàm dưới bị răng cắn chéo cản trở vận động.
Khoảng hở giữa các răng: tình huống này không quá nghiêm trọng. Do răng vĩnh viễn khi mọc lên thường sẽ đóng lại các khoảng hở này. Nếu khoảng hở vẫn còn sau khi răng vĩnh viễn đã mọc đủ, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha cho trẻ em, vì đôi khi răng nanh ngầm cũng làm cho răng cửa vĩnh viễn bị thưa.
3.Giai đoạn răng vĩnh viễn:
Từ 13 đến 21 tuổi: Đây là giai đoạn phát triển nhanh của trẻ. Thường gọi là giai đoạn dậy thì.
Bộ răng sẽ mọc thêm răng cối lớn thứ hai (răng số 7) vào lúc 12-13 tuổi, và cuối cùng là răng cối lớn thứ ba (răng số 8 hay răng khôn) vào lúc 18 tuổi.
Trong giai đoạn này những vấn đề phát triển xương hàm (như hô hoặc móm) và răng chen chúc, cắn sâu, cắn hở…sẽ biểu hiện rõ rệt hơn.
Vì vậy, đây là giai đoạn mà phụ huynh đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha nhiều nhất.
Răng số 8 là răng mọc sau cùng, thường gặp nhiều trở ngại nhất và cũng hay gây nhiều rắc rối nhất. Ít khi hàm có đủ chỗ để răng khôn mọc, vì vậy bác sĩ thường chỉ định nhổ răng khôn.
Tuy vậy, với một số trường hợp lệch lạc xương hàm, bác sĩ có thể chỉ định để răng khôn mọc để kích thích hàm phát triển, chẳng hạn như hô hàm trên do hàm dưới chậm phát triển, bác sĩ sẽ kích thích răng số 8 mọc để đẩy hàm dưới ra trước cho phù hợp với hàm trên.
4.Những chú ý quan trọng ở giai đoạn dậy thì của trẻ:
Đối với trẻ em, sự phát triển của hệ thống xương hàm không nhất thiết phải tương quan với sự phát triển của răng. Có những trẻ xương hàm phát triển mạnh tạo ra hô hoặc móm trong khi chưa thay hết răng vĩnh viễn. Và ngược lại, có những trẻ đã thay hết răng vĩnh viễn và răng thiếu chỗ trầm trọng nhưng xương hàm vẫn chưa tăng trưởng.
Điều quan trọng nhất mà phụ huynh cần lưu ý là thời điểm dậy thì của trẻ. Nếu bác sĩ chỉnh nha can thiệp trước giai đoạn phát triển mạnh của xương hàm, thì những sai lệch về xương như hô hoặc móm có thể được cải thiện tối đa, với sự kiểm soát cao. Ngược lại, nếu bác sĩ chỉnh nha can thiệp khi trẻ đã vượt qua sự tăng trưởng, thì bác sĩ hoàn toàn thụ động và khó kiểm soát hơn rất nhiều.

Như vậy, kết quả chỉnh nha cho trẻ em đạt được sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phụ huynh đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha. Đưa trẻ đến đúng thời điểm hoặc sớm, có thể giúp bác sĩ kiểm soát được sự tăng trưởng của răng và xương. Nhờ đó kế hoạch điều trị đạt được tốt nhất mà không phải nhổ răng hoặc phẫu thuật. Đưa trẻ đến muộn sẽ làm bác sĩ thụ động hơn, và kế hoạch đề ra chủ yếu là sửa chữa những sai lệch, chứ không còn là ngăn chặn và định hướng phát triển nữa.
Nha khoa Khánh Phúc Quận 7.